Nhiều gia đình cho rằng tránh tất cả những điều họ cho là không tốt sẽ giúp cuộc sống vợ chồng suôn sẻ. Hầu hết các gia đình người Việt Nam đều coi đám cưới là một sự kiện trọng đại không chỉ dành riêng cho cô dâu, chú rể mà còn là vấn đề quan tâm của cả gia đình. Do đó, mọi người thường cố gắng kiêng dè một số điều với hy vọng cuộc sống vợ chồng sau này sẽ thuận lợi, suôn sẻ. Tùy theo mỗi vùng miền mà những điều kiêng kỵ sẽ khác nhau.
WW đã tổng hợp được một số quan điểm kiêng kỵ trong ngày cưới, nhưng thực hư về độ tin cậy của những điều “có kiêng có lành” này thì không phải ai cũng kiểm chứng chắc chắn được.
1. Xem tuổi:
– Để đến được đám cưới, các đôi uyên ương sẽ phải trải qua “cửa ải” về chuyện hợp tuổi. Không gia đình nào lại không quan tâm xem người bạn đời tương lai của con mình cầm tinh con gì, mang mệnh gì để coi sơ qua bằng cách nhờ “thầy”. Chỉ cần cặp đôi nào bị gia đình phán xung khắc, không hợp nhau là tình yêu dễ có nguy cơ tan vỡ. Đôi nào cương quyết lắm mới dám trái lời gia đình nhưng về sau, ấn tượng về chuyện hợp tuổi sẽ khó có thể phai nhạt. Thực tế có không ít cặp uyên ương đã phải “đứt gánh giữa đường” vì lời thầy phán.
– Khi đã quyết định sẽ tiến hành hôn lễ, hai nhà trai, nhà gái sẽ bàn bạc với nhau và quyết định chọn được ngày đẹp để ăn hỏi, đón dâu. Quan niệm cho rằng, nếu hai người làm đám cưới vào ngày đẹp thì cuộc sống sau này sẽ yên ả, thuận lợi.
2. Ăn hỏi:
– Khi nhà trai tiến hành tục ăn hỏi, cô gái không được xuất hiện mà phải ngồi trong phòng đợi, tới khi hai nhà thưa chuyện xong xuôi, chú rể mới được vào đón cô dâu ra để mời nước họ hàng. Những cô dâu ló mặt ra trước sẽ bị coi là vô duyên và thiếu lễ phép.
– Trong đám hỏi ở miền Bắc, nhà gái phải làm lễ xé cau, dùng tay để bẻ những quả cau trong tráp ăn hỏi của nhà trai để cúng ông bà tổ tiên. Đặc biệt, nhà gái không được dùng dao cắt vì có ý kiến cho rằng, cắt cau bằng dao sẽ khiến tình cảm vợ chồng tương lại bị chia cắt. Ở miền Nam, chú rể sẽ là người xé cau, cô dâu xếp trầu để thắp hương trên bàn thờ, trong quá trình thực hiện, ai là người làm nhanh hơn thì về sau sẽ “nắm quyền” trong nhà.
3. Đón dâu:
– Lúc cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có vẻ quyến luyến gia đình nhà gái. Các cụ lớn tuổi thường cho rằng, những cô con dâu đã đi theo chồng mà còn ngoảnh đầu nhìn lại nhà cha mẹ thì sẽ rất khó dạy bảo và sau này cũng không chăm sóc công việc nhà chồng chu đáo.
– Mẹ cô dâu không được theo đoàn đưa con gái về nhà chồng và mẹ chồng không được đứng ở cửa đón con dâu. Điều kiêng kỵ này được lý giải là để cô dâu không đòi bỏ về nhà theo mẹ đẻ và mẹ chồng nàng dâu không xung khắc sau này.
– Nhiều nhà cho rằng khi sang nhà gái đón dâu phải đi một đường, còn đón được cô dâu rồi thì phải về theo một đường khác để tránh những điều không may sẽ theo về nhà.
– Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Ông bà xưa quan niệm nếu cô dâu có bầu mà đi cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra.
4. Hôn lễ:
– Có quan niệm cho rằng nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và hai người không được đeo trước khi hôn lễ diễn ra.
– Những người đang mang bầu hoặc đang có tang cũng không được khuyến khích đi dự đám cưới vì có thể mang tới điều không may cho cô dâu chú rể. Điều kiêng kị trong lễ cưới còn nhiều, tùy theo từng vùng miền, mỗi gia đình mà những điều cần tránh cũng khác nhau.Với những điều phổ thông, được nghiên cứu hoặc mang nét văn hóa truyền thống như chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành thuận lợi thì vẫn nên duy trì. Tuy nhiên với những quan niệm không có căn cứ, mọi người không nên quá tin tưởng mà gây ảnh hưởng tới việc chuẩn bị đám cưới. Các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu được hạnh phúc cả đời và gia đình yên ấm, suôn sẻ phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của các cặp vợ chồng. Vì vậy, dù có kiêng dè nhiều thứ khi cử hành hôn lễ, nhưng khi sống bên nhau không cảm thông, chia sẻ với nhau thì gia đình cũng khó yên lành.