Đặt mâm tráp và trang trí nhà cửa là hai việc quan trọng nhất mà cô dâu chú rể cần chuẩn bị cho đám hỏi.
1. Mâm quả
Tùy theo gia đình cô dâu ở vùng miền nào mà gia đình chú rể chuẩn bị mâm tráp cho đúng phong tục. Ví dụ, ở đám hỏi miền Nam, nhà trai thường phải chuẩn bị lễ vật theo số chẵn, ví dụ 6 tráp, 8 tráp hay 10 tráp… Nhưng ngược lại, các gia đình cô dâu miền Bắc lại chỉ nhận tráp số lẻ, vì vậy gia đình chú rể sẽ phải mang tới 5 tráp, 7 tráp hay 9 tráp…
Các vật phẩm trong tráp ăn hỏi cũng sẽ tùy từng hai gia đình, bàn bạc với nhau. Thông thường mâm tráp đám hỏi bao gồm:
– Trầu cau
– Bánh cốm
– Chè
– Bánh đậu xanh
– Mứt sen trần
– Rượu và thuốc lá
– Hoa quả
Một số gia đình còn thay bánh đậu xanh bằng lợn sữa quay, gà quay hoặc xôi để làm mâm lễ vật thêm phong phú, có cả đồ mặn, đồ ngọt.
Hiện nay ở các tỉnh, thành phố đều có những nhà cung cấp dịch vụ, lo trọn gói mâm tráp cho ngày ăn hỏi. Mỗi tráp có giá ít nhất từ 500.000 đồng tới vài triệu đồng, tùy theo nhu cầu cũng như kinh tế của mỗi đôi uyên ương.
Nếu hai gia đình ở xa nhau, gia đình chú rể có thể nhờ cô dâu đặt hộ mâm tráp gần nhà gái, ngày ăn hỏi, chú rể sẽ đến lấy lễ vật và mang tới làm lễ. Như vậy, nhà trai sẽ bớt được công đoạn vận chuyển đường xa, cũng để tránh mâm tráp xô lệch trên đường đi.
2. Đội bê tráp
Nhiều cô dâu chú rể nhờ tới bạn bè để bê tráp trong đám cưới. Một số đôi uyên ương không tìm được bạn bè có thể sử dụng dịch vụ thuê trọn gói ở chính nhà cung cấp mâm tráp.
Tùy theo số lượng tráp mà gia đình nhà trai và nhà gái chọn đội bê tráp (bưng quả) tương ứng. Ví dụ, nếu đám hỏi có 7 tráp, mỗi gia đình sẽ phải chuẩn bị 14 người nam thanh, nữ tú, chia đều cho hai nhà để bưng và đỡ tráp.
Về phía nhà trai, những người bưng mâm lễ vật phải là con trai chưa vợ, ít tuổi hơn chú rể. Về phía nhà gái, đội đón tráp này phải là con gái chưa chồng và trẻ hơn cô dâu.
Đội bê tráp nhà trai thường ăn mặc giản dị, mỗi người có thể chuẩn bị gồm trang phục áo sơ mi trắng, cà vạt đỏ, quần âu, giày tây. Trang phục của đội nữ đỡ tráp thường thấy là áo dài đỏ, tà áo in họa tiết đơn giản, đi kèm giày cao gót. Gia đình cô dâu thường thuê áo dài cho đội nữ đỡ tráp để đội hình đồng đều và đẹp.
3. Phông – nhà bạt
Lễ ăn hỏi sẽ diễn ra tại nhà cô dâu, do đó việc trang hoàng nhà cửa sẽ do nhà gái chuẩn bị. Vật không thể thiếu là phông để làm đẹp cho ngôi nhà. Trước kia, phông ăn hỏi thường bằng vải nhung, nhưng hiện nay các loại phông in trên vải bạt trở nên phổ biến vì sự trẻ trung, lại thể hiện được cá tính và in được hình ảnh, kiểu chữ theo ý của uyên ương.
Ngoài phông, các gia đình cô dâu không đủ rộng, thiếu chỗ cho khách tham dự lễ ăn hỏi cần thuê nhà bạt để tạo không gian đón khách. Nhà bạt lụa hiện nay được nhiều cô dâu chú rể ưa chuộng vì màu sắc đa dạng, thoáng và đem tới nét trẻ trung, hiện đại.
4. Trang phục
Trong lễ ăn hỏi, cô dâu chú rể sẽ diện trang phục trang trọng hơn ngày thường. Cô dâu sẽ cần có áo dài, còn chú rể cần quần âu, sơmi và áo vest. Cô dâu chú rể nên đặt may trang phục trước ít nhất một tháng. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tới trang phục cho cha mẹ hai bên.
5. Xe đưa đón
Với đám hỏi, chỉ nhà trai mới cần thuê xe để đưa đoàn đến nhà gái làm lễ ăn hỏi. Tùy theo đoạn đường, các gia đình sẽ chọn ôtô hay xích lô. Đoàn xe ôtô sẽ hợp với quãng đường xa, còn nếu gia đình cô dâu chú rể ở gần nhau, nhà trai có thể chọn đoàn xích lô để chở khách và mâm tráp.
Ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong đám cưới là điều mà nhiều uyên ương lưu ý. Bạn có thể chọn dịch vụ chụp ảnh hoặc quay cả video nếu muốn. Cô dâu chú rể cũng nên đặt dịch vụ này sớm, nhất là khi bạn cưới đúng mùa, khi các hôn lễ diễn ra liên tiếp.